Quy Trình Canh Tác Lúa (P.1)
Để đạt hiệu quả cao trong canh tác cây lúa, bà con cần lưu ý một số kỹ thuật trong chọn giống, chuẩn bị đất, gieo sạ, bón phân, quản lý nước…
I. CHỌN LỰA GIỐNG LÚA
Giống là một trong những yếu tố quyết định đến sự sinh trưởng, phát triển và năng suất lúa. Sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng từ 90-100 ngày, năng suất cao, chống chịu với một số sâu bệnh chính và có phẩm chất gạo tốt đủ tiêu chuẩn xuất khẩu như OM1490, OMCS2000, IR64, MTL250, VD95-20, AS996, OM3536, Lúa thơm, v.v.
Sử dụng hạt giống đạt tiêu chuẩn chất lượng tương đương cấp xác nhận (theo qui định của Bộ NN & PTNT):
– Độ sạch (% khối lượng) > 99,0%
– Tạp chất (% khối lượng) < 1,0%
– Hạt khách giống phân biệt được (% hạt) < 0,25%
– Hạt cỏ (số hạt /kg) < 10 hạt
– Tỷ lệ nảy mầm (% số hạt) < 85%
– Độ ẩm (%) < 13.5 %
II. CHUẨN BỊ ĐẤT
Đối với vụ Đông xuân:
– Dọn sạch cỏ.
– Trục đánh bùn và san bằng mặt ruộng bằng máy cày bánh lồng.
Đối với vụ Hè thu:
– Cày đất bằng máy với độ sâu từ 15-20 cm.
– Phơi ải trong thời gian 1 tháng.
– Bừa, trục và san bằng mặt ruộng bằng máy kéo bánh lồng có công cụ trang phẳng mặt ruộng kèm theo.
– Sử dụng máy kéo liên hợp với máy phay hoặc bánh lồng và trục bùn. Tuỳ theo diện tích ruộng lớn hay nhỏ mà dùng máy kéo lớn (trên 50 HP), trung bình (20 – 35HP) hoặc nhỏ như máy xới tay (12 – 15HP), máy trục bùn tự hành hoặc phay lồng (6-12 HP).
Chú ý: Ruộng phải bằng phẳng, có hệ thống thoát nước tốt và không đọng nước.
III. BIỆN PHÁP GIEO SẠ
Chuẩn bị hạt giống
• Làm sạch hạt lúa trước khi ngâm ủ bằng cách ngâm hạt trong nước muối 15% trong thời gian 5-10 phút, loại bỏ hạt lép lửng và lẫn tạp.
• Sau đó, cho vào bao ngâm trong nước sạch 30 giờ.
• Rửa bằng nước sạch, để ráo nước, ủ trong 24 giờ đảm bảo hạt vừa nhú mầm.
• Xử lý hạt giống trước khi gieo bằng Regent hoặc Carban 3%.
Chú ý: Trước khi gieo sạ 6 giờ, không nên tưới nước cho hạt giống để dễ gieo sạ.
Biện pháp gieo sạ
• Gieo hàng bằng công cụ gieo hàng kéo tay hoặc liên hợp với máy kéo.
• Hình 5: Máy sạ hàng
• Lượng hạt giống gieo: 100 – 120 kg/ha.
• Khoảng cách gieo: hàng cách hàng 20 cm.
Chú ý: Lượng hạt giống cho vào trống của công cụ gieo hàng chỉ bằng 2/3 thể tích trống và trách làm ướt bên trong trống để hạt ra đều.
IV. BÓN PHÂN
– Bón phân cân đối giữa đạm, lân và kali.
– Ở giai đoạn để nhánh (22 – 25 NSS) và làm đòng (42 – 45 NSS), sử dụng bảng so màu lá để điều chỉnh lượng phân đạm cần bón.
V. QUẢN LÝ NƯỚC
– Giai đoạn cây con (0 – 7 NSG): rút cạn nước trước khi sạ và giữ khô mặt ruộng trong vòng 3 ngày sau khi sạ, ngày thứ 4 cho nước láng mặt ruộng 1 ngày sau đó rút cạn để đảm bảo đủ ẩm bề mặt ruộng.
– Giai đoạn sinh trưởng sinh dưỡng (7 – 42 NSG): Sau khi sạ được 7 – 10 ngày, bắt đầu cho nước từ từ vào ruộng và giữ nước trên mặt ruộng ở mức 5-7 cm. Trong giai đoạn này, thay nước trong ruộng lúa từ 2-3 lần, sau mỗi lần thay nước giữ cạn trong 2 – 3 ngày.
– Giai đoạn sinh trưởng sinh thực (42 – 65 NSG): Giữ nước trong ruộng ở mức 3-5 cm.
– Giai đoạn chín (65 – 95 NSG): Giữ nước trong ruộng ở mức 2 – 3 cm cho đến giai đoạn chín vàng (7 – 10 ngày trước khi thu hoạch) tháo cạn nước trong ruộng.
Nguồn: cayluongthuc.blogspot.com